Lao động chật vật tìm nguồn thu nhập thêm vì lo thưởng tết giảm 14/01/2021 .. . Thay vì háo hức chờ đợi lương tháng 13, 14 và nhiều quà hiện vật giá trị khác, nhiều công nhân, lao động hiện đang lo lắng mức lương thưởng Tết năm nay sẽ giảm mạnh, thậm chí không có trong tình cảnh công việc ít, đơn hàng thưa thớt, dịch bệnh còn phức tạp… Dịch bệnh và thiên tai bão lũ khiến nhiều lao động mất việc làm, giảm thu nhập Ai cũng mong thưởng Tết sau 1 năm nỗ lực làm việc 100% công nhân, lao động mong chờ nhận các khoản lương thưởng, thưởng lễ Tết cuối năm như một sự ghi nhận những nỗ lực làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, đồng thời có thêm chi phí chi trả các khoản sinh hoạt phí thường ngày. Dịp lễ Tết còn phát sinh nhiều khoản nhỏ to khác như mua sắm, quà cáp, vé tàu xe, lì xì, thờ phượng… Tùy theo quy định và chính sách của công ty sẽ áp dụng hình thức thưởng Tết phù hợp. Thêm nữa, Bộ Luật lao động 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 không bắt buộc doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thưởng Tết cho người lao động trong mọi trường hợp, thưởng hay không, thưởng thế nào là do doanh nghiệp quyết định, căn cứ vào kết quả kinh doanh, sản xuất và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Luật cho phép thưởng có thể bằng tiền hoặc tài sản hay bất kỳ hình thức khác mà người sử dụng lao động lựa chọn. Năm 2021 có thể giảm hoặc không có thưởng Tết Thời điểm này những năm trước được xem là đợt cao điểm việc làm của nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Công nhân tăng ca liên tục, công ty tuyển thời vụ Tết, việc làm part-time luôn ở mức cao. Ấy vậy mà, không khí tấp nập đó giờ đây hiếm thấy. “Giờ này năm ngoái tôi đang phải tăng ca liên tục đến 10h đêm, cuối tuần cũng phải đi làm vì hàng nhiều. Thu nhập những tháng cuối năm cao đột biến nên dù mệt nhưng ham và vui lắm. Có tháng lương nhận được đến 15 triệu đồng. Thế nhưng năm nay có mong bận rộn chắc cũng không được” – anh N., công nhân sản xuất tại Bình Dương buồn rầu chia sẻ. Thực tế hiện tại khiến nhiều người lo ngại việc thưởng Tết năm nay có thể giảm, thậm chí không có tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai, bão lũ vừa qua. Đơn hàng ít, công việc thưa thớt, nhiều chỗ phải cắt giảm nhân sự, cho công nhân viên làm luân phiên, nghỉ giãn cách; có nơi thậm chí đã phải ngưng hoạt động, đóng cửa đến phá sản… Vậy thì, doanh thu ở đâu, chi phí duy trì thế nào để mà thưởng Tết cho lao động. Cho nên, ở thời điểm này, dù không mấy vui vẻ nhưng hầu hết công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp lớn nhỏ trên cả nước cũng đều lường trước khả năng thưởng Tết sẽ giảm, thậm chí không có và bày tỏ thái độ cảm thông, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. “Có việc làm và nhận mức lương tối thiểu tại thời điểm này xem như là may mắn rồi. Dịch bệnh không ai mong muốn nhưng nó đã và đang xảy đến, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm và thu nhập của công nhân chúng tôi. Thưởng Tết đúng là có trông đợi thật nhưng doanh nghiệp cũng khó khăn. Vậy nên, chắc năm nay sẽ được tặng quà, mà không có cũng không sao” – chị H., công nhân may tại một xí nghiệp ở Đà Nẵng bộc bạch. Nhiều công nhân lo sợ bị giảm việc, cắt hợp đồng ngay thời điểm cuối năm Lao động phải tìm việc làm thêm tăng thu nhập Giảm việc, giảm thu nhập hiện là khó khăn chung trên phạm vi cả nước, ở mọi ngành nghề và công việc. Nhiều lao động không việc làm hoặc có nhưng lương giảm, thu nhập thấp đã tìm hướng cải thiện mức sống bằng cách nghỉ việc chuyển sang công việc khác hoặc tìm việc làm thêm vào thời gian rảnh. Anh M. (Đồng Nai) cho biết sản phẩm của công ty chủ yếu xuất sang thị trường Âu, Mỹ nên hoạt động bị ngưng trệ, đơn hàng rất ít. Công nhân phải chia việc làm luân phiên, chỉ làm giờ hành chính, tan ca đúng 5h, hàng tuần được nghỉ thứ 7, Chủ nhật. Lương sẽ được hưởng theo năng suất, không có việc thì không có lương. Do đó, thu nhập các tháng cuối năm chắc chắn sẽ thấp và ít hơn những năm trước rất nhiều, khả năng không có lương tháng 13, cả thưởng Tết cũng sẽ giảm, thậm chí không có. Vì thế, để đảm bảo cân đối chi tiêu trong gia đình 4 thành viên, sau giờ làm và ngày nghỉ, anh phải nhận thêm việc sơn nhà, lắp đặt điện nước, có khi chạy xe ôm, chạy xe bán các mặt hàng thiết yếu để kiếm thêm thu nhập. Chạy xe công nghệ là "việc làm tạm" của nhiều lao động nam Hay bán hàng lưu động Chị A. (Hà Nội) lại chọn cách nghỉ công việc tổ chức sự kiện tại công ty cũ từ đầu tháng 11 vừa qua để chuyển sang công việc mới có mức thu nhập tốt hơn dù thời điểm cuối năm không mấy người nhảy việc do muốn được hưởng nguyên lương tháng 13 và thưởng Tết, thưởng thâm niên. Tuy nhiên, do áp lực kinh tế quá lớn cộng với nhàm chán vì không có việc để làm, lương giảm sâu xuống còn mức 4 triệu/ tháng khiến chị chấp nhận chuyển sang môi trường mới. Được biết, công ty cũ của chị A. cũng đã có thông báo rằng thưởng Tết năm nay có thể sẽ bị cắt giảm sâu hoặc không có. Lương quá thấp cộng với áp lực kinh tế khiến nhiều người là dân ngoại tỉnh như chị chật vật vô cùng, nó chỉ đủ chi tiêu cho các khoản tiền nhà, ăn uống mà không có tích lũy hay nếu có phát sinh cũng khó mà xoay sở. Nhiều người vì thế mà không trụ được nên đành phải nghỉ việc. Một trường hợp khác là chị T., giáo viên dạy tiếng Nhật tại một trung tâm chuyên đào tạo ngôn ngữ cho diện du học hay xuất khẩu lao động Nhật Bản cũng cho hay đang trong tình cảnh khốn đốn. Chị cho biết, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc đưa lao động, du học sinh sang thị trường Nhật Bản và một số nước khác bị ngưng trệ. Công ty chị vì thế mà đã cho nhiều nhân viên nghỉ không lương từ đầu mùa dịch đến nay. Do đó, để “sống tạm” và cầm cự chờ việc, sẵn biết làm bánh chị đã sắm máy móc và bộ dụng cụ cơ bản để làm các loại bánh ngọt tại nhà và đăng bán online. Số tiền kiếm được không nhiều nhưng cũng phần nào bù vào thu nhập để chi tiêu cho đến khi mọi hoạt động ổn định hơn… Nhiều người làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp để trang trải chi tiêu trong thời gian tìm việc Thu nhập thấp hơn trước nhưng các chi phí sinh hoạt đời thường khác như tiền trọ, ăn uống, xăng xe, học hành của con và nhiều khoản khác đều không giảm (hoặc có nhưng không nhiều) nên nhiều công nhân, lao động đang rơi vào tình cảnh khó khăn, khốn đốn. Do đó, tìm việc làm thêm hoặc thay đổi công việc để cải thiện thu nhập là cần thiết ở thời điểm hiện tại.