Chờ đợi một phép màu hướng về Rào Trăng 3 15/10/2020 .. . Những ánh mắt mong ngóng thấp thỏm của rất nhiều người thân các nạn nhân mất tích tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) cứ ám ảnh tâm can những người chứng kiến. Lời cầu nguyện thay bánh và hoa ngày sinh nhật Tối 14.10, các lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn bằng đường bộ đã tạm rút quân về trung tâm để bảo toàn lực lượng. Trước đó, sau khi huy động đông đảo phương tiện, lực lượng để thông tuyến do bị sạt lở tắc đường, 12 giờ 30 ngày 14.10, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tiếp cận được hiện trường điểm sạt lở tại Trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67 - nơi xảy ra vụ sạt lở đất khiến 21 cán bộ gặp nạn, trong đó 8 người chạy thoát nạn, 13 người còn mất tích. Lực lượng cứu hộ đến hiện trường thủy điện Rào Trăng 3 chỉ còn đống đổ nát Nhìn từng đoàn xe y tế, quân đội, công an... dần lui về trung tâm cuối ngày mà chưa có những thông tin về con em mình đang mất tích, nhiều người thân, nhất là những người dân quê ở Hà Tĩnh đã nghẹn ngào. Hàng chục người dân xứ Nghệ đã có mặt từ sáng 14.10 tại xã Phong Xuân, H.Phong Điền để theo dõi, ngóng tin con em mình, những công nhân thủy điện (TĐ) Rào Trăng 3 mất liên lạc nhiều ngày. Ông Lê Văn Hoan, 62 tuổi, ở xã Hộ Độ, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, kể con trai ông là anh Lê Văn Sáng có 2 người con, 11 tuổi và 4 tuổi. Vợ anh Sáng làm nông, sau khi nghe hung tin đã ngã bệnh. Hai đứa con thì ngơ ngác đợi bố về. “Nó mới vào Huế chưa được 1 tuần. Trời mưa lũ lớn, tôi điện thoại bố con nói chuyện hỏi tình hình, rồi tôi khuyên cháu nó về kẻo mưa lũ. Nó vâng dạ xong biểu con mang cái máy lên công trường cho công ty rồi sẽ về. Thế mà nó không về, đến giờ cũng chẳng có thông tin liên lạc chi...”, ông Hoan bùi ngùi Hai chuyên gia Ấn Độ sống sót được lực lượng chức năng lấy thông tin Trong số 13 cán bộ được cho là mất tích trong vụ sạt lở đất thuộc đoàn công tác cứu nạn cứu hộ vào TĐ Rào Trăng 3 để giải cứu công nhân mắc kẹt do sạt lở đất, có một phóng viên công tác tại cơ quan thông tin điện tử của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông là P.V.H, phóng viên duy nhất đi theo đoàn cứu nạn cứu hộ. Khoảng 0 giờ khuya 13.10, ông H. cùng 20 người khác khi đang trú tại Trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67 thì tai nạn xảy ra. Hôm nay 15.10 là sinh nhật lần thứ 54 của ông H. nhưng thật trớ trêu, thay vì bánh và hoa bây giờ chỉ còn là những lời cầu nguyện bình an trở về cho lần sinh nhật của người cha, người chồng này. Mịt mù thông tin Chiều 14.10, khi thi thể đầu tiên được tìm thấy và đưa ra khỏi hiện trường chuyển về Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Bình Điền (xã Bình Tiến, TX.Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) kèm theo đó là 19 người may mắn thoát nạn, trong đó có 2 chuyên gia Ấn Độ, nhiều người có con em đang làm việc tại TĐ Rào Trăng 3 đã tập trung tại đây. Trong sân BVĐK Bình Điền, có hàng chục người nhà nạn nhân đã tìm đến đây để chờ đợi thông tin. Từ ngày xảy ra sự cố đến nay, họ vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin gì về số phận người thân của mình. Ngồi bệt ngay dưới sân của BV, ông Đặng Hữu Sơn (bố của Đặng Hữu Nam và bác ruột của Đặng Hữu Phong, hai công nhân TĐ Rào Trăng 3, ở H.Gio Linh, Quảng Trị) đau buồn vì không tìm thấy bất kỳ thông tin nào của con và cháu mình. “Tôi không biết hỏi ai về con và cháu của mình cả. Thấy mấy chú công an đứng đây, tôi đến hỏi thì không ai trả lời được. Công ty cũng không có một ai thông tin gì cả. Giờ tôi biết hỏi ai đây trời”, ông Sơn đau đớn. Từ Quảng Trị, anh trai và chị gái của công nhân tên Bùi Đức Thọ (ở xã Triệu Thượng, H.Triệu Phong, Quảng Trị) trước đó vào xã Phong Xuân mong ngóng thông tin nhưng không có kết quả, chiều 14.10 cũng đã tức tốc di chuyển sang BVĐK Bình Điền để tìm kiếm em trai. Từ ngày 10.10 đến nay, họ đã không liên lạc được với Thọ. Mịt mù thông tin. Họ mong ngóng một phép màu. Đang mỏi mòn chờ đợi, cả hàng người chộn rộn khi một tia hy vọng lóe lên bởi xe chở những người may mắn đến BV, trong đó có công nhân Lê Minh Phụng (ở TP.Đông Hà, Quảng Trị). Ngay lập tức, bố mẹ của Phan Chí Thanh (công nhân kỹ thuật điện, ở TP.Huế) nhận ra Phụng là người quen đã từng đến chơi nhà. Tuy nhiên, đến khi kết nối được thì tia hy vọng lại chùng xuống. Phụng cho biết sự cố vào giữa đêm nên không nhìn thấy ai còn ai mất. Những người sống sót đã di chuyển qua TĐ Rào Trăng 4 tá túc, không nhìn thấy các công nhân Bùi Đức Thọ, Nguyễn Thái Học (lái xe múc), Đặng Hữu Nam, Đặng Hữu Phong (ở H.Gio Linh, Quảng Trị)… là những công nhân mà người nhà đang tập trung ở BVĐK Bình Điền chờ đợi. Lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 1 nạn nhân Một diễn biến khác liên quan đến thi thể được tìm thấy, theo lực lượng chức năng, thông tin xác nhận ban đầu của các công nhân trong hiện trường nhận dạng là Tạ Văn Nghĩa (ở xã Nga Phú, H.Nga Sơn, Thanh Hóa). Tuy nhiên, khi ra đến BV thì người nhà của Nghĩa nhận dạng đã cho rằng thi thể này không phải của Nghĩa. Gần 1.000 người tìm kiếm nạn nhân mất tích do sạt lở ở Thừa Thiên - Huế. Tối 14.10, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, đến cuối ngày 14.10, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động 983 người, 189 phương tiện tham gia TKCN người mất tích trong các vụ sạt lở TĐ Rào Trăng 3. Trong đó, quân đội là lực lượng nòng cốt với 666 cán bộ, chiến sĩ; 119 phương tiện và 3 chó nghiệp vụ. Trong ngày, lực lượng TKCN đã san gạt đất đá, thông đường và tiếp cận Trạm kiểm lâm 67, nơi 13 người trong đoàn cứu hộ bị sạt lở vùi lấp mất tích nhưng công tác tìm kiếm chưa có kết quả. Hôm nay 15.10, lực lượng tiếp tục tìm kiếm ở khu vực Trạm kiểm lâm 67; đồng thời mở đường vào TĐ Rào Trăng 3 để tìm kiếm những công nhân đang mất tích tại đây.