Trào lưu dùng tiktok có xu hướng tăng vọt, mạng xã hội made in Việt Nam tăng trưởng quý I/2020 03/06/2020 .. . Một cuộc nghiên cứu thị trường trên toàn quốc thực hiện bởi Decision Lab đã khẳng định sự trỗi dậy của trào lưu mạng xã hội TikTok tại Vietnam. 20% số người làm khảo sát trong quý 1 2020 nói rằng họ sử dụng ứng dụng chia sẻ video này trên điện thoại, tăng từ 15% trong quý 3 năm 2019. Nghiên cứu cũng xác nhận sự tăng trưởng của mạng xã hội Gapo và Lotus, 2 mạng xã hội được ví là Facebook của Việt Nam, trong thời điểm đầu của đại dịch. Người tiêu dùng trực tuyến Trong quý 3 năm 2019, Decision Lab đã mời cộng đồng người tiêu dùng online của mình tại Việt Nam – một trong những cộng đồng online lớn và đáng tin cậy nhất tại khu vực Đông Nam Á – chia sẻ về hành vi sử dụng mạng xã hội. Kết quả cuộc khảo sát Người tiêu dùng trực tuyến được công bố lần đầu vào tháng 08 năm 2019. Nghiên cứu đã chỉ ra người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng không phụ thuộc vào một mạng xã hội duy nhất, và nhận định những ứng dụng mới như Tiktok và Spotify đang thách thức những ứng dụng lâu năm hiện đang thống trị thị trường. Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng trực tuyến Trong quý 1 năm 2020, Decision Lab tiếp tục theo dõi mức độ sử dụng các ứng dụng được yêu thích ở Việt Nam cho các mục đích khác nhau như nghe nhạc, đọc tin tức, nhắn tin hay video ngắn. Với lượng dữ liệu thu thập bao gồm nhiều nhóm tuổi, bức tranh toàn cảnh mà nghiên cứu này mang lại giúp chỉ ra những ứng dụng đang làm thay đổi thị trường, và những ứng dụng có khả năng tăng trưởng về mặt thị phần trong giai đoạn hậu COVID. Sau đây là những phát hiện chính của nghiên cứu: Gen Z chuyển dần qua Tiktok, Instagram khi muốn xem video ngắn Sự thành công của Tiktok trong việc mang đến một sân chơi cho những video ngắn có thể không đe dọa sự thống trị của Facebook và Youtube ở mảng này, tuy nhiên, hai mạng xã hội này vẫn nên nhìn nhận sự chuyển biến của thế hệ Z (GenZ) tại Việt Nam, thế hệ tiên phong dùng TikTok và Instagram để tạo và chia sẻ các video ngắn. Như thường lệ, GenY theo sát GenZ, một phần do Gen Y hầu hết đang thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dữ liệu được thu thập. Chính phủ Việt Nam cũng đã tận dụng xu thế này để phát động chiến dịch TikTok “Ở nhà vẫn vui” (#onhavanvui), để cộng đồng mạng chia sẻ những video hài hước về cách rửa tay, đeo khẩu trang và những biện pháp cách ly xã hội. Lotus & Gapo tăng trưởng giữa tâm lý từ bỏ Facebook Dù chỉ chiếm 3% - 4% trên tổng số 65 triệu người Việt đang dùng mạng xã hội, có thể thấy nhiều người vẫn sẵn sàng cho mạng xã hội made-in-Vietnam một cơ hội cạnh tranh. Tâm lý từ bỏ Facebook cũng được thể hiện trong việc người tiêu dùng vẫn đọc tin trên các trang báo mạng nội địa, mặc dù họ có thể tìm tin tức trên Facebook trước. Ra đời khi các dự án khởi nghiệp trong nước được khuyến khích cạnh tranh với Facebook và Google, 2 mạng xã hội made-in-Vietnam này, dù chỉ đang chập chững tiến vào thị trường, vẫn rất đáng được quan tâm. Cả hai đều nhận được sự đầu tư và kì vọng rất lớn, Gapo hiện đang đặt mục tiêu 20 triệu người dùng trước tháng 1 năm 2021. Việt Nam vẫn không thể sống thiếu Facebook Cuối cùng, bất chấp những làn sóng từ bỏ sử dụng Facebook trên thế giới, mạng xã hội này vẫn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam khi được yêu cầu chọn 1 ứng dụng họ không thể sống thiếu. Đối thủ cạnh tranh nội địa, Zalo, vẫn giữ vững được thị phần ở mảng ứng dụng nhắn tin, nhất là trong số người dùng GenY và GenX. Tuy nhiên, độ phủ của Facebook rất rõ rệt khi tính cả các hoạt động trực tuyến khác như xem video ngắn, đọc tin tức, hay mua sắm trực tuyến, hoạt động mà các nhà quảng cáo hết sức quan tâm. Facebook cũng bỏ xa đối thủ của mình khi người tiêu dùng có nhu cầu tìm một ứng dụng chỉ để “lướt” không chủ đích.