Những điều người tiêu dùng cần biết để tránh mất tiền oan với "mánh" của thợ sửa điều hòa 14/05/2020 .. . Mùa hè là thời điểm điều hòa được sử dụng nhiều. Các chuyên gia điện máy khuyến cáo, mỗi năm người dùng điều hòa nên bảo dưỡng, vệ sinh điều hòa một lần. Tuy nhiên, nhiều người dùng không thể tự bảo dưỡng được nên thường thuê thợ bảo dưỡng. Thế nhưng, bằng những “mánh” của mình, nếu người dùng không biết, thợ sửa điều hòa sẽ dễ dàng “vặt tiền” đôi khi lên đến cả triệu bạc. Trên thực tế, nhiều người đã bị thợ sửa điều hòa dùng ‘mánh’ để vặt tiền trong các việc như nạp gas, báo linh kiện có thể sắp bị hỏng hóc và phải thay thế…. Nếu người tiêu dùng không tỉnh táo khi bảo dưỡng điều hòa có thể sẽ bị thợ sửa dùng những “mánh” vặt tiền lên đến vài triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Mai Loan, một người dân sống tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, hàng năm nhà chị bảo dưỡng cùng lúc 4 chiếc điều hòa. Tuy nhiên, chị luôn lo sợ việc sẽ bị thợ bảo dưỡng điều hòa “vặt” tiền. Bởi những năm trước, chị từng thuê thợ đến bảo dưỡng điều hòa, ban đầu thợ báo giá tiền bảo dưỡng chỉ 200.000 đồng/chiếc thế nhưng sau khi thợ bảo dưỡng xong thì tổng tiền chị phải thanh toán lên gần 2 triệu đồng/chiếc. “Ban đầu gọi thợ họ báo giá trọn gói chỉ 200.000 đồng tiền vệ sinh điều hòa và không phát sinh thêm chi phí. Thế nhưng trong quá trình vệ sinh, họ liên tục báo hết ga rồi các thiết bị có nguy cơ bị hỏng hóc trong quá trình sử dụng. Thế nên, họ dò ý là có muốn nạp gas và thay thế không. Tôi cũng không biết gì đành nghe theo cho yên tâm. Năm nào cũng với bài đó và cuối cùng mỗi lần vệ sinh tôi cũng tốn gần 2 triệu đồng cho một chiếc điều hòa. Vậy nên năm nay, trước khi thợ đến tôi chỉ yêu cầu vệ sinh thôi, không thay gì cả. Từ sau khi bảo dưỡng xong tôi thấy điều hòa vẫn hoạt động bình thường”, chị Mai Loan cho biết. Tình trạng như chị Mai Loan hiện khá nhiều người gặp phải. Bởi những người không biết về điều hòa khi thợ sửa gợi ý bảo dưỡng hay báo linh kiện hỏng hóc thì thường nghe theo. Bởi nhiều người nghĩ rằng, đã mất công gọi thợ sửa họ tháo ra để thay luôn không nhỡ đang dùng bị hỏng khi đó còn tốn tiền tháo ra lắp vào. Ông Trần Xuân Tuấn, chuyên viên kĩ thuật điện lạnh của điện máy Tuấn Trần cho biết, không chỉ vặt tiền khách hàng khi bảo dưỡng điều hòa, thợ sửa điều hòa còn vặt tiền của khách hàng khi mua điều hòa mới hoặc mua điều hòa cũ rồi thuê thợ lắp. Chẳng hạn, với thợ sửa điều hòa từ các trung tâm điện máy đến nhà lắp sau khi mua điều hòa tại đó thì sau khi lắp đặt xong, thợ sẽ liệt kê ra danh sách khoản tiền cố định khách phải thanh toán. Còn những khoản khác thì khách thường tự hiểu đó là tiền phụ kiện mà thợ điều hòa mua hộ như là các phụ kiện lắp đặt điều hòa cần dùng là dây ống đồng, dây điện, ống nước thải, giá đỡ dàn nóng, gen bọc bảo ôn, vải bọc bảo ôn,… và có báo giá cụ thể. “Tuy nhiên với những thợ sửa điều hòa khi được thuê lắp họ hay cố tình tìm kiếm vị trí lắp đặt thật xa để làm sao người dùng phải chi một khoản tiền để mua thêm ống đồng và dây bọc vải. Thậm chí họ cũng khai khống thêm tền của nhiều phụ kiện khác như giá đỡ”, ông Tuấn nói. Do vậy, ông Tuấn khuyên người dùng nên tìm hiểu thông tin về điều hòa và giá cả các phụ kiện để không bị chặt chém cũng như biết được tuổi đời của phụ kiện để không phải thay phụ kiện mỗi khi thợ sửa yêu cầu.