Sự hy sinh của một người mẹ 13 năm ròng rã kêu oan cho con trai 06/05/2020 .. . Năm 2018, bà Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải bán đi căn nhà duy nhất để kêu oan cho con trong một niềm tin không lay chuyển là con mình vô tội. Sáng nay, người mẹ ấy đứng trước cổng Tòa án Nhân dân Tối cao khi phiên giám đốc thẩm vụ án bưu điện Cầu Voi được đưa ra xét xử. 13 năm ròng rã kêu oan, người phụ nữ tự nhận ít ăn học, ngại đụng chạm, không biết gì về pháp luật ấy đã photocopy đến 2.000 bộ hồ sơ để đi kêu khắp nơi. Nhà cửa bán hết. Tiền bạc không còn một xu. Bà đã khánh kiệt, chỉ còn duy nhất niềm tin. Bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì ruột của Hải, người đồng hành gần như xuyên suốt chặng đường kêu oan đẫm nước mắt, cũng bán sạch nhà cửa. "Cả dòng họ đồng quan điểm, cùng kêu oan cho Hải đến hơi thở cuối cùng. Bán đất, tới bán nhà, thậm chí bần cùng là bán vé số cũng chấp nhận, cơm rau cháo chợ vẫn kêu oan cho Hải", người dì nói. Dì của tử tù Hồ Duy Hải (bên trái) và mẹ ruột (bên phải) Thủy, em gái của Hải, năm đó 16, giờ đã ngót 30, chưa từng nghĩ tới việc lập gia đình, vì mối quan tâm duy nhất của cô là người anh đang vướng vòng lao lý. Em gái Hồ Duy Hải Vụ án Hồ Duy Hải, phải nói là một vụ án quá sức lạ kỳ. Những nhận định dưới đây là của bà Lê Thị Nga, đương nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Vụ án Hồ Duy Hải có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra vụ án: Vi phạm về khám nghiệm hiện trường; Vi phạm về thu thập, đánh giá chứng cứ; Vi phạm trong trưng cầu giám định. Viện, tòa đều chỉ lựa chọn sử dụng những chứng cứ có lợi trong việc buộc tội, thay vì những chứng cứ có lợi cho việc gỡ tội. Tòa không làm rõ được những mâu thuẫn trong vụ án. Chứng cứ ngoại phạm của Hải chưa được xem xét, đánh giá kỹ. Và đặc biệt: Kết luận trong bản án sai với kết luận giám định, dựa trên sự "suy diễn chết người" của kết luận điều tra và cáo trạng. Một vị Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khác là ông Nguyễn Văn Hiện cũng từng nhận định rằng những sai sót nghiêm trọng trong thu thập chứng cứ, đặc biệt là những chứng cứ ban đầu, là điểm chung giữa vụ án Hồ Duy Hải với hầu hết các vụ án đang gây bức xúc trong dư luận mà đoàn giám sát đặt ra để xem xét. Một vụ án, bằng đó cái sai, không phải không có lý khi 2 đồng chí Chủ tịch Nước, tại hai nhiệm kỳ, đều đề nghị xem xét. Chúng ta có thể không biết nhiều về vụ án. Nhưng những cái sai của nó, rất rõ ràng, được vạch ra bởi một Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đương nhiệm, người từng trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, từng gặp trực tiếp tử tù. Chúng ta có thể chọn chỗ để đặt niềm tin. Nhưng có một điều không thể không tin tưởng: Đó là tình yêu và sự hy sinh của một người mẹ. Hãy thử nghĩ mà xem, biểu tượng công lý, tay gươm tay cân, băng kín đôi mắt... nhưng luôn là hình ảnh của những người phụ nữ.