Không phải trường hợp nào đăng ảnh của tổ chức, cá nhân lên mạng xã hội cũng bị xử phạt 17/04/2020 .. . Nghị định 15 mới của Chính phủ quy định có thể xử phạt người tự ý đăng ảnh người khác lên mạng xã hội từ 5-20 triệu đồng, nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020. Trong đó, đáng chú ý tại khoản 3 của Điều 102 Nghị định này quy định, đối với tổ chức có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt với số tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Còn đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm trên thì mức phạt sẽ là 5-10 triệu đồng. Với quy định trên, nhiều người nghĩ rằng, việc đăng tải thông tin, hình ảnh của người khác lên mạng xã hội khi không có sự đồng ý của chính chủ sẽ bị phạt nặng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào đăng ảnh của tổ chức, cá nhân lên mạng xã hội cũng bị xử phạt theo Nghị định 15. Về vấn đề này, Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội). Thế nhưng, cũng theo quy định tại khoản 2 Điều luật này, việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ. Cụ thể, hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng. Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm: hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Như vậy, nghĩa là việc phóng viên báo chí chụp ảnh nhằm đưa tin tức về các hội nghị, hội thảo, chuyên gia, chính khách… hay người dân chụp ảnh tên cướp để đăng lên mạng, gửi công an truy tìm thì hoàn toàn hợp pháp. “Không phải mọi trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không được sự chấp thuận của người đó đều là hành vi vi phạm pháp luật. Nghĩa là không phải ai sử dụng hình ảnh của người khác cũng đều bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP”, luật sư Thanh chia sẻ. Trong trường hợp, cá nhân bị sử dụng hình ảnh không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, theo Luật sư Giang Hồng Thanh, người đó có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh. Đồng thời, phải bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.