5 mẹo nhỏ có thể giúp bạn tăng lương nhanh chóng 31/03/2020 .. . Nhận được tiền lương xứng đáng với công sức đã bỏ ra là một yêu cầu quan trọng của bất cứ công việc nào. Tuy nhiên, việc thương lượng để được tăng lương lại luôn căng thẳng và dễ gây khó chịu. Nếu bạn cho rằng mình nên nhận được mức lương cao hơn, thì bạn cần phải đưa ra được những lý lẽ thuyết phục cho việc đó. Nhưng nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo 5 mẹo sau để vạch ra con đường phù hợp cho mình, nhờ đó đạt được kết quả thương lượng hài lòng nhất. 1. Tìm khoảng thời gian phù hợp Trước khi bắt đầu một cuộc thảo luận về việc tăng lương, hãy suy nghĩ về một viễn cảnh lớn hơn và những gì đang diễn ra ở nơi làm việc của bạn. Nếu công ty đang gặp những khó khăn về tài chính hoặc đang trong một cuộc chuyển giao lớn, thì đó sẽ không phải là thời điểm thích hợp để nói về việc tăng lương. Nếu sếp của bạn đang giải quyết những việc như cho thôi việc tạm thời, tái cơ cấu hay xem xét về những scandal của công ty, bạn nên đợi tới khi chúng được xử lý ổn thỏa mới đưa ra đề nghị của mình. "Có lẽ đây là thời điểm mà bạn nên cảm thông với sếp, và việc này sẽ tạo nên một niềm tin. Từ đó, xây dựng nền tảng cho một cuộc thương lượng có lợi cho bạn sau vài tháng nữa," Olivia Jaras – nhà sáng lập Salarycoaching.com cho hay. 2. Nghiên cứu kỹ lưỡng Việc bạn có được tăng lương hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, có những điều vượt quá khả năng kiểm soát của bạn, nhưng việc làm một nghiên cứu chắc chắn sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội hơn. Cụ thể, trước khi bước vào một cuộc thương lượng tăng lương, bạn nên nắm được sự biến động mới nhất về giá trị thị trường của mình. Hãy so sánh mức lương hiện tại với giá trị thị trường của bạn, hiệu suất của bạn so với đồng nghiệp và tìm hiểu triết lý về lương thưởng của công ty. Bên cạnh đó, hãy xem lại hồ sơ xin việc và mô tả công việc khi bạn được nhận vào để có cái nhìn tổng quan về hiệu suất công việc, cũng như con đường phát triển sự nghiệp của bạn. Những nhiệm vụ mà bạn đảm nhiệm có thể đã tăng lên từ ngày bạn được tuyển hoặc bạn đã học thêm nhiều khóa đào tạo hay có được những kỹ năng mới. Jaras chia sẻ "Nếu bạn có thêm các kỹ năng và bằng cấp có ích cho vị trí công việc của bạn, thì đó sẽ là những điểm nhấn có lợi cho việc tăng lương". 3. Hiểu quan điểm của sếp Khi đã nắm trong tay tất cả những thông tin cần thiết, bạn nên bắt đầu xem xét về những thành tựu của bạn theo quan điểm của sếp. Từ đó, hãy tự hỏi xem đâu là những lý do khiến sếp từ chối tăng lương cho bạn? Và bạn sẽ giải quyết những vấn đề đó ra sao? Việc hiểu rõ quan điểm cũng như những lý lẽ mà sếp có thể đưa ra sẽ giúp bạn "chinh phục" sếp dễ dàng hơn. Một trong những cách để làm được việc đó là hãy tự nghĩ ra 5 lý do hàng đầu mà sếp sẽ sử dụng để từ chối tăng lương cho bạn. "Nếu bạn nghĩ đó thực sự là những lý do đúng đắn để sếp từ chối bạn, bạn chắc chắn sẽ không thể thắng trong cuộc thảo luận về tăng lương. Nhưng khi bạn dự đoán được những việc sắp xảy ra, bạn sẽ có sự chuẩn bị để ứng phó với chúng," Deborah Kolb – tác giả cuốn sách "Negotiating at Work: Turn Small Wins into Big Gains" cho biết. 4. Đặt sự chuyên nghiệp lên hàng đầu Những lý lẽ bạn đưa ra trong cuộc thương thảo về tăng lương cần hợp lý, do đó bạn nên tránh đề cập quá nhiều tới những yếu tố cá nhân. Ví dụ, đưa ra lý do mình phải nuôi 5 đứa con ăn học hay phát hiện ra đồng nghiệp nhận được mức lương cao hơn sẽ không phải là một ý tưởng hay ho. Những điều đó có thể là lý do khiến bạn muốn được tăng lương nhưng chúng không hề liên quan tới hiệu suất công việc của bạn. Chúng có khả năng giúp bạn được tăng lương đấy, nhưng hoàn toàn chỉ dựa trên lòng thương xót mà thôi. Và đó chắc chắn không phải mức lương tối đa mà bạn có khả năng nhận được. Vậy nên, việc bạn cần làm là trình bày thật khéo léo và rõ ràng với sếp về việc bạn đã đóng góp như thế nào cho giá trị, cũng như sự phát triển của công ty. 5. Biết suy nghĩ lâu dài Cuộc thương lượng tăng lương không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng kế hoạch đã lên từ trước. Vì thế, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng phương án để giải quyết những tình huống bất ngờ hay kết quả không như ý muốn. Bạn cũng nên hiểu rằng việc bị từ chối không có nghĩa là bạn đã bị "đánh bại". Bên cạnh đó, một cách xử lý đúng đắn, hợp lý sẽ xây dựng nền tảng cho việc tăng lương trong tương lai. Lời từ chối của sếp có thể khiến bạn thất vọng nhưng đừng bao giờ quên kết thúc cuộc trò chuyện bằng một sự lưu ý tích cực. Việc nhấn mạnh rằng bạn cảm thấy thú vị về việc tiếp tục công việc hiện tại, và gia tăng sự đóng góp của bạn cho công ty sẽ mở ra cánh cửa cho cuộc thương lượng mới sau này. Alex Twersky, đồng sáng lập công ty Resume Deli đưa ra lời khuyên rằng, "bạn phải đặt ra chiến lược để điều khiển cuộc nói chuyện đó. Bạn không thể quá đòi hỏi hay quá mức khăng khăng được. Thay vào đó, bạn cần thật chuyên nghiệp, kiên nhẫn, biết hợp tác và có tính xây dựng". Đây cũng có thể là một cơ hội để bạn có được nhận xét phản hồi từ sếp, và nghĩ xem mình cần cải thiện những kỹ năng nào để lương thưởng sớm tăng vọt trong tương lai không xa.