Sự kiện Giờ Trái đất 28/3/2020: cùng tắt đèn để tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường 27/03/2020 .. . Giờ Trái đất 2020 sẽ diễn ra từ 20h30’ đến 21h30’ thứ 7, ngày 28/3/2020. Chương trình do WWF-Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Năm 2020, với mục tiêu xã hội hóa các hoạt động về truyền thông trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, đổi mới công tác tuyên truyền vận động hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất theo hướng sáng tạo, thiết thực hơn nhằm mang lại hiệu quả tuyên truyền cao, Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam sẽ là đơn vị đầu mối thực hiện các hoạt động của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2020 tại Việt Nam, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò là cơ quan bảo trợ cho Chiến dịch. Để hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm 2020, góp phần vào những nỗ lực chung của thế giới, Bộ Công Thương đã có Công văn đề nghị EVN chỉ đạo Tổng công ty, Công ty Điện lực các tỉnh thành phố hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2020 phổ biến, tuyên truyền các nội dung về tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường, tuyên truyền trực tuyến trên website, fanpage, tuyên truyền thông qua các ấn phẩm tại các địa điểm giao dịch khách hàng, trụ sở của các đơn vị điện lực trong tháng 3 năm 2020. Vận động các tổ chức, cơ quan và khách hàng thực hiện tắt đèn và các thiết bị không cần thiết vào thời gian diễn ra Sự kiện Tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất diễn ra từ 20h30 đến 21h30 Thứ 7, ngày 28/3/2020. Khác với mọi năm, Giờ Trái đất 2020 chuyển trọng tâm từ "Biến đổi khí hậu" (BĐKH) sang "Mất đa dạng sinh học". Với sự tiêu dùng gia tăng chưa từng có, dẫn đến gia tăng đột biến nhu cầu sử dụng năng lượng, đất, nước... Điều này đã làm suy kiệt nhanh chóng các nguồn tài nguyên, thay đổi các môi trường sống trên trái đất, góp phần gây ra sự mất đa dạng sinh học trên diện rộng. Giờ Trái Đất 2020 kêu gọi sự cam kết của chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hành động nhằm đảo chiều những tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học. Các hoạt động của chương trình góp phần thúc đẩy những sáng kiến thay đổi hành vi tiêu dùng như tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng đồ nhựa và nói không với tiêu thụ động vật hoang dã... Qua đó, cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh. Bên cạnh đó, các quốc gia cần chỉ đạo tăng cường nghiên cứu, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, dự án, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống dân sinh; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phương thức trực tuyến để quảng bá, tuyên truyền chủ đề, thông điệp Giờ Trái đất; hướng dẫn tăng cường thời lượng, dung lượng đăng phát về chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với bảo vệ môi trường; phát triển năng lượng sạch, thân thiện môi trường... Các hoạt động chính của Giờ Trái đất 2020 gồm: Chiến dịch truyền thông mạng xã hội bắt đầu từ 12/3 đến 28/3;Toạ đàm ngày 28/3 trên kênh truyền hình VTV1 với thông điệp của Thủ tướng; Hoạt động kêu gọi cam kết trên trang web của WWF và tổng kết chiến dịch từ 28/3 đến 4/4; Truyền thông giáo dục công chúng thông qua 100 bức vẽ tại khu vực Hoàn Kiếm, Hà Nội; Truyền thông màn hình tại các khu thương mại, khu dân cư; Truyền thông qua người nổi tiếng - đại sứ của WWF.