Bởi sự cần thiết của mình, mạng xã hội từ lâu đã không còn là cụm từ xa lạ. Không phân biệt độ tuổi, giới tính, cấp bậc xã hội… gần như ai cũng sở hữu cho riêng mình một trang mạng xã hội khác nhau. Điều này đem lại rất nhiều lợi ích và cũng đi kèm với không ít tác hại. Vì vậy, mỗi người đều nên trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản nhất khi sử dụng công cụ này để tận dụng hết những lợi ích, cũng như tránh được những rủi ro không đáng có… 

I. Mạng xã hội là gì?

1. Định nghĩa và đặc điểm của mạng xã hội

Mạng xã hội là gì?

Về cơ bản, mạng xã hội là những ứng dụng tạo ra môi trường giúp mọi người không hạn chế tuổi tác, ngành nghề, giới tính, vùng miền… có thể kết nối với nhau ở bất cứ đâu, chỉ cần có Internet.  Do vậy, tính đến thời điểm hiện tại có thể nói mạng xã hội là công cụ hữu hiệu nhất mà loài người phát minh ra để kết nối cả thế giới. Thông qua kênh giao tiếp này, mọi người có thể thoải mái chia sẻ thông tin cần thiết hay sở thích cá nhân cho bạn bè nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Các mạng xã hội khác nhau sở hữu những lợi thế khác nhau để cạnh tranh và làm thỏa mãn người dùng, tuy nhiên hầu hết các trang này đều sở hữu 2 đặc điểm chính sau:

  • Mạng xã hội là nơi giao lưu của các chủ thể và cá nhân, dựa vào môi trường này mà các mối quan hệ được lan tỏa và phát triển.
  • Mạng xã hội là nơi người dùng tự tạo ra trang cá nhân, chia sẻ những thông tin, sở thích khác nhau và mọi thành viên còn lại sẽ tiếp cận những gì họ đã đăng chỉ bằng một cú nhấp chuột.

2. Những mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay 

Những mạng xã hội được người dùng sử dụng nhiều nhất hiện nay phải kể tên những “ông lớn” sau:

Facebook: Bắt nguồn từ sự trỗi dậy vào năm 2005, Facebook không ngừng tự khẳng định vị trí của mình đối với người dùng “thế giới ảo”, từ việc cải tiến chất lượng dịch vụ lẫn sự đa dạng về các tính năng. Cho đến nay, Facebook được coi là mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất toàn cầu với con số thống kê “khủng” - 90% dân số thế giới! 

Youtube: Khi muốn tìm kiếm bất cứ một video nào, trang web đầu tiên mà hầu hết người dùng Internet “ghé thăm” chính là Youtube. Cụ thể, đây là mạng xã hội đi đầu trong việc tạo ra môi trường mở cho người dùng chia sẻ những video của mình, từ đó những người khác có thể tiếp cận và xem nó chỉ cần qua máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet. Youtube cũng được đánh giá là một cái tên “đình đám” khi là trang mạng xã hội có lượng tải về nhiều nhất toàn cầu.

Twitter: Điểm khác biệt mà Twitter sở hữu chính là tính cập nhật nhanh chóng và đa dạng. Qua trang mạng xã hội này, người dùng có thể tiếp cận được tin tức nóng hổi trên toàn thế giới. Đó là lý do mà cho dù mới ra mắt từ năm 2016, Twitter đã nhanh chóng trở thành ứng dụng phổ biến toàn cầu với cơ cấu gồm trụ sở chính ở San Francisco và 35 chi nhánh trên khắp các châu lục.

Instagram: Khác với Facebook, Instagram là trang mạng xã hội chủ yếu dùng để chia sẻ ảnh và video, người dùng không thể đăng một dòng trạng thái đơn lẻ mà không đi kèm với bất kỳ tấm ảnh hay video nào. Các hiệu ứng chỉnh sửa ảnh khác nhau đem về cho Instagram lượng người dùng khổng lồ, với tốc độ này rất có thể sẽ vượt xa độ phủ sóng của Facebook trong tương lai gần. 

II. Lợi ích và tác hại khi sử dụng mạng xã hội 

1. Lợi ích khi sử dụng mạng xã hội

Kể từ khi điện thoại thông minh hay máy tính cá nhân được sử dụng rộng rãi, mạng xã hội đã không còn là khái niệm xa lạ với phần lớn cư dân trên toàn thế giới, nhất là những nước phát triển và đang phát triển. Sự phổ biến của mạng xã hội ngày nay bắt nguồn từ những lợi ích to lớn của nó đem đến cho cuộc sống con người hàng ngày và hàng giờ. Chúng ta có thể kể đến những lợi ích như:

  • Giúp người dùng nhanh chóng nắm bắt, cập nhật tin tức, kiến thức, và xu thế nói chung thông qua các hội nhóm online (Facebook), video clip giải trí (Youtube)...
  • Nâng cao chất lượng, tốc độ của báo chí và các dịch vụ công: Ngày nay, các cơ quan báo chí và thông tin đại chúng truyền thống đang dần tìm cách thích nghi với sự phát triển công nghệ của thời đại để bắt kịp xu thế của thời đại và duy trì số lượng độc giả của mình. Mặt khác, bằng cách tận dụng mạng xã hội khéo léo và có kiểm soát, các cơ quan pháp luật hay dịch vụ công cũng có thể giảm thiểu ít nhất những bất cập trước đây còn tồn tại như sự quan liêu, phức tạp hay sai sót trong dịch vụ công, đồng thời có thể lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình từ phía người dân, từ đó dần cải thiện bộ máy hành chính. 
  • Cá nhân, gia đình và cộng đồng ngày một trở thành mạng lưới chặt chẽ: Những câu chuyện về quá khứ, kỷ niệm trong hiện tại của bạn với người thân, gia đình và bạn bè dễ dàng được lưu lại dưới nền tảng mạng xã hội, và trở thành chất keo gắn bó mọi người lại với nhau, khó có thể bị khoảng cách địa lý hay thời gian làm cho phai mờ
  • Một số lợi ích khác mà mạng xã hội mang đến cho con người như: hòa nhập toàn cầu chỉ với một cú “click”, cải thiện kỹ năng sống và kiến thức dễ dàng nhanh chóng, kinh doanh và quảng cáo miễn phí, giải trí, bày tỏ và kiểm soát cảm xúc...

2. Tác hại của mạng xã hội

Mạng xã hội càng trở nên phổ biến, càng khiến con người dễ phụ thuộc và bị nó chi phối. Có khá nhiều tác hại mà mạng xã hội có thể đem tới nếu con người không biết tự ý thức và kiềm chế bản thân trước sức hấp dẫn của nó:

  • Ảnh hưởng đến chất lượng sống: Cơ thể suy kiệt, kèm theo rối loạn nhịp sinh học, từ đó làm suy giảm hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống chính là những tác hại khôn lường mà việc “nghiện mạng xã hội” đem đến cho con người. Chứng “nghiện” này có thể biểu hiện ở một số người như thói quen lướt Facebook, Instagram… ngay khi vừa thức dậy, tranh thủ cả giờ ăn, thậm chí thức thâu đêm để “dán mắt” vào màn hình smartphone, máy tính chỉ để đọc những dòng tin mới trên mạng xã hội cho tới khi quá kiệt sức hoặc các thiết bị đã hết pin.
  • Suy nghĩ tiêu cực: Đây cũng là một trong số những tác hại không nên có khi chúng ta sử dụng mạng xã hội. Theo đó, nhiều người trẻ có thể sử dụng Facebook, Instagram... một cách tiêu cực, có thể như một công cụ so sánh, điều này sẽ thúc đẩy mạng xã hội tác động xấu đến sức khỏe tinh thần, bao gồm cả tâm lý mặc cảm, tự ti…
  • Lan truyền các nguồn tin không chính thống: Việc mất kiểm soát mạng xã hội có thể dẫn tới sự lan truyền không mong muốn những thông tin giả mạo hoặc khuếch đại sự thật quá mức. Điều này tác động xấu tới xã hội, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dư luận, thậm chí có thể làm vô số người dùng bị lừa gạt.
  • Một số tác hại khác mà mạng xã hội có thể tạo ra như: Sự giảm thói quen tương tác trực tiếp giữa người với người, vấn đề tâm lý như cáu gắt - trầm cảm - lo âu...

III. Kỹ năng sử dụng mạng xã hội hiệu quả trong cuộc sống 

1. Xác định rõ điều bạn muốn

Mỗi người đều có thói quen sử dụng mạng xã hội với những mục đích khác nhau, có thể để kết bạn, lan truyền giá trị tư tưởng, hoặc đơn giản là để kiếm tiền. Điều bạn cần làm để sử dụng công cụ này một cách hiệu quả và tránh lạm dụng quá sâu chính là xác định rõ điều bạn muốn và làm nó trở nên đặc biệt. Giống như việc sử dụng mạng xã hội sẽ giúp bạn có thể rút ngắn thời gian tìm hiểu một người bạn mới, hoặc làm khoảng cách không gian bị xóa nhòa, điều này có thể khiến bạn tìm được cho mình những mối quan hệ thật tuyệt vời nếu bạn biết sử dụng khéo léo những công cụ mà mạng xã hội đã đem đến.

2. Học cách tạo mối quan hệ để thỏa mãn khao khát của bạn

Một khi bạn đã biết được mục đích chính sử dụng mạng xã hội là gì, bước đầu tiên cần làm chính là vạch ra những chiến thuật tối ưu để đạt được mục đích đó. Lúc này chính là thời điểm tốt nhất để bạn vận dụng khéo léo câu nói nổi tiếng của Zig Ziglar:“Bạn có thể đạt được tất cả những gì bạn muốn nếu bạn cho người khác những gì họ muốn”. Nếu bạn muốn kết bạn mới, hãy thử làm một người bạn tốt. Nếu bạn muốn tăng doanh số, đừng chần chừ giúp người khác thành công. Còn nếu bạn muốn hoàn thiện hơn, hãy ngay lập tức giúp người khác phát triển.

3. Tạo kênh giao tiếp

Để nuôi dưỡng bất cứ một mối quan hệ nào, bạn cũng cần một chiến thuật để tạo và giữ nó trong thời gian mình muốn. Chiến thuật khôn ngoan nhất nên được thực hiện từ đơn giản đến phức tạp, sau đây là một chuỗi những điều cần thực hiện khi bạn sử dụng mạng xã hội và tạo kênh giao tiếp riêng: Chia sẻ cập nhật -> Email hay tin nhắn -> Nói chuyện điện thoại -> Gặp gỡ mặt-đối-mặt -> Duy trì mối quan hệ… Hãy thực hiện nó từng bước, tùy vào từng loại đối tượng mà mỗi giai đoạn được kéo dài trong thời gian khác nhau, cuối cùng bạn sẽ bất ngờ với mạng lưới bạn bè mà mình kết nối được đó!

4. Đừng đọc và đăng cùng lúc

Giống như câu nói “Đừng nói và nghe” cùng lúc - việc đọc và đăng cùng lúc sẽ khiến bạn xao nhãng trong cả hai hành động. Lời khuyên khôn ngoan nhất chính là hãy thực hiện việc đọc và tiếp thu các thông tin trên mạng xã hội độc lập với thời gian dành cho việc đăng bài của bạn.

5. Con số tình bạn: 150

Có thể nói, thời gian của bạn dành cho mạng xã hội sẽ tăng tỷ lệ thuận theo số lượng bạn bè mà bạn có. Cho dù trên mạng xã hội bạn có kết bạn với bao nhiêu người, nó cũng không quan trọng bằng việc bạn giữ liên lạc và có một mối quan hệ nghiêm túc được với bao nhiêu người bạn chân thành trong số đó. Và con số đó vừa vặn bằng 150 - nhờ thành quả tuyệt vời của nhà nhân loại học người Anh Robin Dunbar nghiên cứu về bộ nhớ của chúng ta - nó có ngưỡng giới hạn nhất định dành cho các quan hệ xã hội thật sự có ý nghĩa. Theo đó, khi vượt ra khỏi mức này, các mối quan hệ trở nên lỏng lẻo và trôi nổi, đến và đi không ảnh hưởng gì mấy đến môi trường xã hội của chúng ta.

6. Theo dõi thay vì kết bạn

Để tránh việc kết bạn quá nhiều tới mức không cần thiết, hãy luôn giữ cho mình những giới hạn về số lượng bạn bè. Đồng thời bạn cũng cần suy xét kỹ về sự thân quen với đối tượng đang xét để quyết định có nên kết bạn hay chỉ dừng lại ở mức “theo dõi”.

7. Đừng cập nhật trừ phi giá trị bạn tạo ra nhiều hơn sự chú ý bạn tiêu thụ (của bạn và người khác)

Ở tiêu chí này, bạn cần tuân thủ 2 nguyên tắc: 

  • Sử dụng công cụ theo đúng chức năng tốt nhất và loại bỏ những gì không cần thiết.
  • Link, ảnh, video là công cụ cơ bản tạo ra giá trị: Hãy ghi một dòng mô tả ngắn đính kèm theo link, ảnh, video để tăng thêm sự chi tiết cụ thể cho những ai quan tâm.

8. Hãy tương tác, nhưng đừng sử dụng mạng xã hội để làm hài lòng tất cả mọi người

Tìm kiếm sự chấp thuận từ người khác là ngốc nghếch nhất, nó dễ dàng vắt kiệt sức lực của bạn ngày qua ngày và làm cho tâm trí ngập tràn lo âu. Bạn cần hiểu một sự thật rằng chuyện gì sẽ xảy ra vào cái ngày bạn làm hài lòng tất cả mọi người? - Chắc chắn là không gì cả.
Điều duy nhất bạn nên làm chính là tập trung vào làm những việc lớn, thực hiện các mục tiêu và thưởng thức mạng xã hội khi rỗi rãi.

IV. Sử dụng mạng xã hội hiệu quả trong kinh doanh online 

1. Xác định đối tượng tiếp cận, khách hàng chủ yếu trên mạng xã hội và phương pháp tiếp cận

Để sử dụng mạng xã hội trong kinh doanh online, bạn cần xác định rõ và khoanh vùng được các đối tượng khách hàng mục tiêu cần nhắm đến, tiếp theo đó vạch ra được các phương pháp tiếp cận tối ưu nhất. Có thể lấy Facebook làm ví dụ vì “ông lớn” này làm rất tốt trong việc phân loại các “khách hàng”. Nền tảng mạng xã hội này cung cấp rất nhiều phương tiện để có thể xác định, phân loại và tiếp cận được những đối tượng là khách hàng tiềm năng. Với một thao tác đơn giản, bạn có thể tận dụng công cụ tìm kiếm để tìm những nhóm hoặc fanpage hoạt động trong lĩnh vực mà bạn cần tiếp cận.

2. Xây dựng các tài khoản Facebook cá nhân, fanpage facebook hoặc các nhóm thân thiện với nội dung kinh doanh

Những tài khoản cá nhân, fanpage hoặc nhóm trên mạng xã hội chính là môi trường tuyệt vời để phát triển kinh doanh online. Với các công cụ như thống kê lượt tương tác, hỗ trợ đăng bài viết, quản lý marketing… Facebook đang dần khẳng định là “cánh tay phải” cho các hình thức kinh doanh online trong việc tìm hiểu và định hướng các đối tượng khách hàng.

3. Liên kết thương hiệu trên mạng xã hội với website thương hiệu của bạn để đạt được hiệu quả cộng đồng cao nhất

Mạng xã hội suy cho cùng cũng chỉ là một công cụ của công việc kinh doanh, và để điều này diễn ra suôn sẻ không thể thiếu sự hỗ trợ từ việc quảng bá và phát triển website thương hiệu. Để chuyên nghiệp hơn, bạn có thể tìm hiểu cách tối ưu website thương hiệu với các công cụ tìm kiếm. (SEO)

4. Làm nổi bật trước đám đông

Ngày nay, sự khác biệt của bạn so với những đối thủ cạnh tranh có thể đến ngay từ việc bạn làm nổi bật thương hiệu trước đám đông. Bởi đối với một sản phẩm cần “sống sót” trên thị trường hiện nay, việc làm nổi bật và gây chú ý quan trọng hơn rất nhiều việc chỉ đơn giản là có sự hiện diện. Để thực hiện điều này, với mỗi thời kỳ thị trường khác nhau, bạn cần có những chiến lược khác nhau để đẩy sản phẩm của mình trở thành “điểm sáng” trên mạng xã hội.

5. Lắng nghe khách hàng ở mọi nơi, không chỉ trong mạng xã hội

Khâu dịch vụ khách hàng được chăm sóc tốt có thể trở thành con “át chủ bài” cho mọi doanh nghiệp. Để làm tốt điều này, hãy liên tục xem xét mối quan tâm của khách hàng, từ đó trung thực lắng nghe và xem xét đề nghị của họ nhằm cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng được tốt hơn. Phần “phản hồi” được Facebook thiết kế riêng cho mỗi fanpage đã và đang làm rất tốt “nhiệm vụ” này.

6. Cùng tham gia với khách hàng của bạn

Rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ hiện nay đang sử dụng mạng xã hội như một công cụ hữu ích trong việc tương tác và xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng thông qua các hội nhóm và sự kiện online. Đồng thời, qua các tin nhắn khách hàng gửi tới fanpage, doanh nghiệp sẽ biết được rõ hơn tâm tư nguyện vọng của họ và biết cách cải thiện chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng tốt hơn.

7. Tạo sự hứng khởi cho cuộc trò chuyện

Cuối cùng, hãy tham gia và tương tác vào tất cả những gì khách hàng cảm thấy thú vị trên mạng xã hội. Cho dù là cuộc trò chuyện tốt hay xấu, hãy học cách lắng nghe khách hàng thông qua chúng. Bạn sẽ ngạc nhiên về sự khác biệt mà mỗi khách hàng mạng lại sau đó!

V. Mẹo giúp trẻ em an toàn khi sử dụng mạng xã hội 

tre-em-su-dung-mang-xa-hoi

Việc bùng nổ và trở nên phổ biến của mạng xã hội gây ra vô số thách thức cho các bậc phụ huynh trong việc nuôi dạy và quản lý trẻ em - đối tượng dễ bị “tấn công” nhất cả về vật chất lẫn tinh thần. Do đó, những mẹo để giúp trẻ an toàn trong việc sử dụng mạng xã hội đã và đang là chủ đề rất được quan tâm, hãy cùng xem nhé:
1. Các bậc phụ huynh nên hạn chế trẻ trong việc sử dụng dữ liệu trên điện thoại di động. Theo một nghiên cứu gần đây, hạn chế dữ liệu cập nhật là biện pháp tốt nhất để ngăn cản sự truy cập của trẻ.
2. Chú ý giữ tất cả các thiết bị điện tử trong các phòng mà thường xuyên có mặt của các thành viên trong gia đình sẽ làm hạn chế các sự tương tác trực tuyến tiêu cực của trẻ.
3. Bậc phụ huynh cũng cần dạy con cách sử dụng mạng xã hội thích hợp, bời không có gì an toàn bằng việc trẻ nhỏ biết tự ý thức và bảo vệ bản thân. Lúc này, trẻ nên được định hướng đến những hành vi trực tuyến đúng đắn
4. Cuối cùng, bạn cần tìm hiểu về các ứng dụng hạn chế độ tuổi sử dụng. Các nhà nghiên cứu đã đề nghị không dành thời gian chiếu phim cho trẻ dưới 2 tuổi. Còn đối với trẻ mẫu giáo và tiểu học, độ tuổi này không nên cho phép sử dụng công nghệ khi không có sự hướng dẫn của cha mẹ, người lớn trong gia đình.